Giá trị nội tại là gì?
Giá trị nội tại là gì, những nhân tố nào tác động đến giá trị nội tại và nó quan trọng như thế nào tới thị giá cổ phiếu. Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu về khái niệm này.Giá trị nội tại |
Khái niệm
Giá trị nội tại là khái niệm được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm này. Giá trị nội tại có thể được hiểu là giá trị thực của một loại chứng khoán, khác với giá trị thị trường hay giá trị ghi sổ của loại chứng khoán đó. Giá trị nội tại bao gồm các biến số khác như nhãn hiệu, thương hiệu, bản quyền… mà các biến số này rất khó tính toán, định lượng, đôi khi không được phản ánh một cách chính xác qua giá thị trường.
Thông thường, cổ phiếu có ba loại giá: mệnh giá (là giá trị danh nghĩa, được ghi trong điều lệ công ty, hiếm khi thay đổi, theo quy định hiện nay là 10.000 đồng); thị giá (giá mua bán thực tế, thường biến động theo quan hệ cung cầu) và giá trị thực hay còn gọi là giá trị nội tại.
Giá trị nội tại không có hình thức riêng để tự thể hiện như mệnh giá hay thị giá. Giá trị nội tại tồn tại một cách khách quan, không ai có thể áp đặt, kể cả người sở hữu nó. Cơ sở khách quan của giá trị nội tại là toàn bộ giá trị tài sản hữu hình và vô hình đang phát huy tác dụng ở công ty phát hành. Do đó, giá trị nội tại còn phản ánh tiềm lực của doanh nghiệp và là cơ sở kinh tế của thị giá. Thị giá tuy luôn biến động, nhưng thường xoay quanh giá trị nội tại, không thể thoát ly quá xa, quá lâu giá trị nội tại.
Nhân tố ảnh hưởng đến giá trị nội tại
- Kết quả kinh doanh. Nếu kinh doanh có lãi, một phần lãi được tái đầu tư, tài sản hữu hình sẽ tăng, giá trị nội tại sẽ tăng theo. Ngược lại, nếu thua lỗ, tài sản hữu hình giảm, giá trị nội tại giảm theo. Sự tăng giảm này được ghi nhận qua biến động tài sản, vốn chủ sở hữu trong sổ kế toán và báo cáo tài chính.
- Sự hình thành tài sản vô hình (thương hiệu, nhãn hiệu, sáng chế, phát minh, nhân lực, uy tín doanh nghiệp…). Nhân tố này xuất hiện trong quá trình kinh doanh, nhưng khó thể tính toán thành tiền như tài sản hữu hình và vì thế thường không được phản ánh hoặc phản ánh không chính xác trong báo cáo tài chính. Tuy vậy, nó có tác động rất mạnh tới kết quả kinh doanh.
Lưu ý
- Thị giá cổ phiếu biến động xoay quanh giá trị nội tại, song trong từng thời kỳ nhất định, thị giá có thể cao hơn hay thấp hơn giá trị nội tại. Giá trị nội tại là nhân tố cơ bản quyết định thị giá, nhưng ngoài nó còn có nhiều nhân tố khác ngoài tầm của doanh nghiệp như tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước, thậm chí yếu tố tâm lý và sự đánh giá chủ quan của các nhà đầu tư cũng có tác động rất lớn.
- Về lý thuyết, nếu thị giá thấp hơn giá trị nội tại thì nhà đầu tư nên mua vào và ngược lại. Vì sau một thời gian, thị giá sẽ thể hiện đúng giá trị nội tại. Tuy nhiên, trên thực tế, đôi khi điều đó không xảy ra. Thêm vào đó, ngay cả ở những thời điểm được cho là rất lý tưởng để mua vào thì những nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể vẫn suy luận rằng, thị giá đã rất rẻ so với giá trị nội tại, so với thời điểm trước đây, nhưng có thể sẽ không rẻ so với ngày mai hay tuần sau. Điều này sẽ làm tăng độ lệch giữa thị giá và giá trị nội tại.
|
Nguồn: ĐTCK |